TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4
Cuốn sách: “Tuổi thơ dữ dội”
Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Chỉ nay mai nữa thôi là sẽ đến Ngày 30 - 4, chắc hẳn khi nhắc tới ngày này, đều gợi nhớ đến hình ảnh của những anh giải phóng quân tươi trẻ đầy nhiệt huyết, hay các chú bộ đội trải đời giàu kinh nghiệm. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta không thể không nhớ tới một bộ phận không nhỏ những người chiến sĩ cách mạng cho dù vẫn còn đang tuổi ăn, tuổi ngủ nhưng đã góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ quê hương, giành lại độc lập cho tổ quốc. Đó chính là những người chiến sĩ thiếu niên anh hùng.
Trong không khí đầy tự hào ấy và hướng tới kỉ niệm 46 năm ngày Giải phòng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 – 30/4/2021. Thư viện trường TH Đồng Tâm xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Khoán, do Nhà xuất bản xuất bản năm 2017, gồm 800 trang, in trên khổ 13x21cm.
Nguyễn Khắc Viện đã từng viết về tác phẩm như thế này : "Sách dày 800 trang mà người đọc không bao giờ muốn ngừng lại, bị lôi cuốn vì những nhân vật ngây thơ có, khôn ranh có, anh hùng có, vì những sự việc khi thì ly kỳ, khi thì hài hước, khi thì gây xúc động đến ứa nước mắt... Tôi chỉ mong làm sao cho tất cả các em thiếu nhi Việt Nam đọc được cuốn sách này". Quả thật, đây là một bộ sách kì vĩ, một công trình khổng lồ, một nguồn tư liệu lịch sử đáng quý, được Phùng Quán viết trong 18 năm trời ròng rã. “Tuổi thơ dữ dội” kể về cuộc đời chiến đấu hoàn toàn có thật của những chiến sĩ thuộc tổ trinh sát Trung Đoàn Trần Cao Vân, những chú bé chỉ mới trạc 13, 14 tuổi đời. Cuốn truyện miêu tả súc tích quá trình tham gia chiến đấu và hy sinh ở tuổi đời rất trẻ của hơn ba mươi thiếu niên, tập trung quanh các nhân vật tiêu biểu là Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca và một loạt các nhân vật khác như: Tư dát, Bồng da rắn, Vnh sưa.
Đọc “Tuổi thơ dữ dội”,người đọc không khỏi nghẹn ngào khi em Vịnh-sưa đã hi sinh thân mình làm cột mốc đánh dấu kho đạn địch cho quân ta, và em đã chết oanh liệt giữa biển trời đầy lửa Người ta không ám ảnh bởi biển lửa ám mùi khói xám, mà ám ảnh bởi hình bóng em bao trùm cả phố trong ánh sáng lửa đêm đen.
Chiến tranh lúc nào cũng vậy, bi thương, đầy máu và nước mắt nhưng đôi lúc, nương tựa theo những dòng văn cảm xúc dạt dào, đầy hồn nhiên và giản dị như chính các em thiếu niên trong truyện, người đọc lại khẽ bật cười với những câu nói đùa vô tư, những cách suy nghĩ trẻ con vui đến lạ mà tác giả đã khéo léo đưa vào câu chuyện. Cười thì cười thật đấy nhưng chính chúng ta vẫn cảm thấy nhói đau, cay cay khóe mắt vì ẩn sâu bên trong những câu chuyện ngộ nghĩnh ấy, lại là sự thật bi thương đến đau lòng.
Riêng bản thân tác giả, sau khi đọc xong tác phẩm này, đã bị ám ảnh suốt một quãng thời gian khá dài, bởi những câu chuyện quá thật, quá đỗi đau thương, và quá lắng đọng. Nhân vật chính của câu chuyện, cậu bé Mừng, vì một lý do hết sức trẻ con, thật sự ngộ nghĩnh nhưng đồng thời cũng tràn đầy tình mẫu tử, ấy là tìm cây thuốc để chữa trị bệnh cho mẹ, đã tham gia Vệ Quốc Đoàn không ngần ngại. Ngay cả trong chiến tranh, tình mẫu tử cũng được vẽ nên thật thiêng liêng và đẹp đẽ. Thế nhưng, mãi về sau, chỉ vì một chuyện hiểu lầm không đáng có, Mừng đã bị các anh chiến sĩ, những người đồng đội của mình nghi là việt gian. Có lẽ, đến cuối cuộc đời, tôi cũng không bao giờ quên được, cái cảm giác sống mũi cay xè, khóe mi ướt nhòe vì nước mắt khi đọc lại những lời trăn trối cuối cùng của nhân vật Mừng trước khi em ra đi vào cõi vĩnh hằng : “Anh ơi, anh đừng nghi em là việt gian nữa anh hí”. Câu nói đơn giản thế thôi mà khiến chúng ta phải suy nghĩ?. Đó có phải là lời ước hẹn chung của những con người đã sống chết vì hòa bình của đất nước hay không? Đó có phải là dấu nhấn cho nỗi hổ thẹn của những con người trẻ tuổi hiện nay không?
Mỗi học sinh chúng ta, khi còn đang ngồi học tập trên ghế nhà trường, có lẽ phải cảm thấy mình thật may mắn, thật hạnh phúc, vì được sống, được yêu thương trong vòng tay của cha mẹ, thày cô và bạn bè. Nhưng những mảnh đời nhỏ bé, sinh ra và lớn lên trong thời kì loạn lạc, thì lại không may mắn như vậy. Số phận của mỗi con người đôi khi lại rất nghiệt ngã, có người sinh ra đã không còn cha mẹ, còn có những ngườ lại bị ngược đãi đến cùng cực. Chúng ta đọc mà như cảm thấy chính mình bị thương tổn.
Vâng, “Tuổi thơ dữ dội” còn nhiều lắm những Vệ to đầu đã từ bỏ gánh xiếc với tên chủ ác độc để theo Vệ Quốc Đoàn, Quỳnh sơn ca vốn gia đình giàu có theo giặc nhưng em đã bỏ tất cả vinh hoa phú quý của gia đình để đi theo tiếng gọi của tổ quốc, rồi Hòa đen, Tư-dát, Bồng da rắn, Nghị, Châu sém,… Mỗi một em tuy có xuất thân khác nhau, nhưng đều vô tư hồn nhiên như nhau, và đều gan dạ dũng cảm cống hiến hết mình vì tổ quốc. Phải đọc trực tiếp cuốn sách, phải cầm nó trên tay, lật giở từng trang và đắm mình vào trong đó, mới hiểu được tại sao Tuổi thơ dữ dội được ví như một kiệt tác cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Cách hành văn của Phùng Quán vừa đơn giản vừa tinh tế, vừa hồn nhiên vừa can trường.
Tôi biết các bạn học sinh chúng ta ngày nay không mấy người hiểu được, càng không có người chứng kiến được những mất mát đau thương của dân tộc. Thế nhưng đừng vì vậy mà không biết cảm phục về Tổ Quốc, về những con người đã bất khuất kiên cường khi chỉ mới bằng tuổi chúng ta bây giờ. Hãy đọc, hãy cảm nhận và suy ngẫm các bạn nhé.
Tôi hy vọng tác phẩm “Tuổi thơ dữ dội” như là một món quà của Thư viện xin được gửi tới các thầy cô và các em!
Chương trình giới thiệu sách của thư viện xin được kết thúc tại đây, Kính chúc thầy cô giáo sức khỏe, chúc các bạn học sinh chăm ngoan, học giỏi xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, là cháu ngoan của Bác Hồ muôn vàn kính yêu!
Cảm ơn các thầy, cô và các em đã chú ý lắng nghe!
Đồng Tâm, ngày 21 tháng 4 năm 2025
Người viết bài
Nguyễn Thị Hồng